Bản nâng cấp của ChatGPT có gì đặc biệt?

OpenAI giới thiệu ChatGPT-4 vào ngày 15/3, với nhiều nâng cấp quan trọng. Nổi bật nhất trong số đó chính là khả năng xử lý hình ảnh.

 Theo Bloomberg, sau 4 tháng ra mắt, ChatGPT đã chứng tỏ được tầm quan trọng của nó. Trong 15 tuần đó, siêu AI này đưa ra những dự đoán về thị trường việc làm toàn cầu, làm gián đoạn hệ thống giáo dục và thu hút hàng triệu người dùng, từ các ngân hàng lớn đến những nhà phát triển ứng dụng.

GPT-4 (generative pretraining transformer 4) của OpenAI có khả năng phân tích một lượng lớn thông tin từ Internet, nhằm xác định và đưa ra cách phản hồi giống người hơn. Ngoài ra, nó cũng cung cấp cho người dùng các câu trả lời chi tiết hơn so với phiên bản tiền nhiệm.

Trước đó, ChatGPT-3.5 bị chỉ trích khi đưa ra những câu trả lời không chính xác, thể hiện sự thiên vị và có một vài “hành vi xấu”. Bloomberg nhận định phiên bản chatbot này có thể vượt qua hàng rào sẵn có của nó để đưa ra những phản hồi mà lẽ ra không được phép.

OpenAI cho biết họ đã dành 6 tháng qua để làm cho phiên bản chatbot mới an toàn hơn. Họ tuyên bố ChatGPT-4 chính xác, sáng tạo và có tính xây dựng hơn so với phiên bản ChatGPT-3.5 trước đó. Ngoài ra, siêu AI mới nhất cũng được cung cấp thêm 40% khả năng phản hồi thực tế.

Một trong những tính năng mới và nổi bật nhất của ChatGPT-4 là khả năng xử lý hình ảnh, thay vì chỉ ngôn ngữ như phiên bản tiền nhiệm. OpenAI cho biết đây là công nghệ “đa phương thức”, khi ChatGPT-4 có thể xử lý và thảo luận khi người dùng nhập cả văn bản kèm theo hình ảnh. Tuy nhiên, khả năng nhập video vẫn cần thời gian để phát triển thêm.

Tất nhiên, ChatGPT-4 vẫn mang một điểm yếu “chí mạng” giống như ChatGPT-3.5, khi nó chỉ được đào tạo dựa trên dữ liệu trước năm 2021. OpenAI cho biết trong một bài đăng trên blog rằng phiên bản mới nhất vẫn còn nhiều hạn chế như đưa ra thành kiến hay gặp ảo giác. Song, công ty đang cố gắng khắc phục điều này.

Hiện tại, phiên bản mới nhất chỉ được cung cấp cho những người đăng ký ChatGPT Plus với giá 20 USD/tháng và dưới dạng một công cụ API để các nhà phát triển tích hợp vào ứng dụng của họ. Trong thời gian tới, người dùng có thể trải nghiệm nó trên công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.

Mới nhất, ngân hàng Morgan Stanley, công ty thanh toán Stripe và ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo đã tích hợp siêu chatbot này vào phần mềm của họ. Bên cạnh đó, Bard của Google, Ernie của Baidu và một loạt công cụ AI đến từ những ông lớn công nghệ khác cũng đang ráo riết tham gia vào cuộc cạnh tranh với ChatGPT.